Ra đời từ đầu thập niên 1980, Toyota Camry nhanh chóng trở thành mẫu sedan bán chạy toàn cầu nhờ thiết kế tinh tế, vận hành ổn định và độ bền cao. Trải qua hơn 40 năm, Camry đã chuyển mình từ xe cỡ nhỏ thành biểu tượng sang trọng, tiện nghi và đẳng cấp trong phân khúc sedan hạng D. Cùng Xe Review tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của dòng xe quốc dân bán chạy nhất trong suốt hơn 4 thập kỉ qua.
Lịch sử hình thành và phát triển của Toyota Camry
Lịch sử hình thành Toyota Camry là một trong những mẫu sedan hạng trung thành công nhất của Toyota và được yêu thích trên toàn thế giới. Mẫu xe này lần đầu tiên được ra mắt vào năm 1982 dưới dạng thân hẹp và bắt đầu trở nên phổ biến rộng rãi từ năm 1983.
Tên gọi “Camry” xuất phát từ tiếng Nhật “Kanmuri”, có nghĩa là “vương miện”, phản ánh truyền thống đặt tên theo chủ đề hoàng gia của Toyota (giống như Corolla – “vành hoa”, và Crown – “vương miện”).
Camry nằm trong phân khúc sedan hạng D, cao hơn Corolla nhưng thấp hơn so với các mẫu xe cao cấp hơn như Toyota Crown hay Avalon. Tính đến nay, Camry đã bước sang thế hệ thứ 8 (ra mắt từ năm 2017 đến hiện tại).
Các thế hệ Toyota Camry trên thế giới
Thế hệ 1 (1982 – 1986)

Toyota Camry thế hệ đầu tiên được phát triển từ mẫu Celica Camry với thiết kế đơn giản, gọn gàng. Xe trang bị động cơ 1.8L, sau đó được nâng cấp lên 2.0L. Tuy nhiên, doanh số bán ra trong giai đoạn này chưa đạt kỳ vọng do thị trường chưa thật sự đón nhận rộng rãi.
Thế hệ 2 (1986 – 1991)

Toyota cải tiến thiết kế theo hướng sang trọng hơn, lần đầu tiên giới thiệu phiên bản động cơ V6 (GXi). Bản dẫn động 4 bánh (AWD) cũng được ra mắt trong giai đoạn này cùng với việc nâng cấp khung gầm giúp xe ổn định hơn.
Thế hệ 3 (1991 – 1996)

Một bước ngoặt lớn khi Camry chuyển sang thiết kế thân rộng hoàn toàn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Bắc Mỹ. Xe có hai tùy chọn động cơ: 2.2L (5S-FE) và V6 3.0L (3VZ-FE). Một biến thể 7 chỗ cũng được giới thiệu riêng cho thị trường Mỹ.
Thế hệ 4 (1996 – 2001)

Camry thế hệ thứ tư có thiết kế trẻ trung, hiện đại hơn, cùng mức giá cạnh tranh hơn. Vẫn duy trì các tùy chọn động cơ 2.2L và 3.0L V6, Toyota bổ sung bản nâng cấp năm 2000 với đèn Halogen 4 bóng, giúp tăng cường khả năng chiếu sáng.
Thế hệ 5 (2001 – 2006)

Ở thế hệ này, Camry sử dụng động cơ 2.4L (2AZ-FE) mạnh mẽ hơn, công suất 150 mã lực. Xe được nâng cấp trang bị như điều hòa tự động, chìa khóa thông minh, tạo sự tiện nghi cho người dùng.
Thế hệ 6 (2006 – 2011)

Camry lần đầu tiên giới thiệu phiên bản hybrid tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, xe còn có các tùy chọn động cơ 2.4L, 2.5L (169 mã lực), và V6 3.5L (268 mã lực). Thiết kế ngoại thất hiện đại hơn, đi kèm nhiều công nghệ an toàn như hệ thống ổn định thân xe (VSC), kiểm soát lực kéo (TRC), khóa điện thông minh.
Thế hệ 7 (2011 – 2017)

Camry tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với không gian nội thất rộng rãi hơn, cải thiện khả năng cách âm và nâng cao chất lượng hoàn thiện. Động cơ gồm 2.5L (178 mã lực), V6 3.5L (268 mã lực), và bản hybrid cho công suất 200 mã lực.
Thế hệ 8 (2017 – 2024)

Camry bước sang nền tảng khung gầm mới GA-K (thuộc nền tảng TNGA của Toyota). Thiết kế thể thao hơn với lưới tản nhiệt lớn, thân xe khí động học. Động cơ bao gồm: 2.5L (203 mã lực), V6 3.5L (301 mã lực), và hybrid (208 mã lực), tăng cả hiệu suất và tiết kiệm nhiên liệu.
Thế hệ 9 (2024 – nay)

Camry 2025 trang bị tiêu chuẩn hệ thống thuần hybrid. Thiết lập này gồm máy 2,5 lít, 4 xi-lanh, kết hợp 2 (dẫn động cầu trước) hoặc 3 môtơ điện (dẫn động 4 bánh, cho công suất kết hợp lần lượt là 225 và 232 mã lực. Tất cả các phiên bản đều dùng hộp số eCVT với pin lithium-ion. Mức tiêu hao nhiên liệu kết hợp là 5 lít/100 km và 4,6 lít/100 km tùy phiên bản.
Toyota Camry tại thị trường Việt Nam
Thế hệ 4 (1998 – 2001)

Toyota Camry chính thức được lắp ráp trong nước từ năm 1998, đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành ô tô Việt Nam. Các phiên bản gồm GLi 2.2L, XLi 2.2L và Grande 3.0 V6. Mã khung xe là VX20.
Thế hệ 5 (2002 – 2006)

Camry thế hệ này có thiết kế rộng rãi, phù hợp với nhu cầu gia đình và doanh nhân. Xe sử dụng động cơ 2.4L (150 mã lực) và 3.0L V6 (184 mã lực). Trang bị tiêu chuẩn gồm ABS, EBD, BA – những công nghệ an toàn còn khá mới mẻ tại thời điểm đó.
Thế hệ 6 (2007 – 2011)

Toyota Camry đột phá về thiết kế với kiểu dáng hiện đại, sang trọng. Trang bị nội thất được nâng cấp toàn diện, bao gồm ghế chỉnh điện, hệ thống âm thanh cao cấp và hệ thống điều hòa độc lập hai vùng.
Thế hệ 7 (2012 – 2018)

Toyota Việt Nam giới thiệu các phiên bản 2.0E, 2.5G và 2.5Q. Nội thất cao cấp, tiện nghi vượt trội, khả năng cách âm và vận hành mượt mà giúp Camry giữ vững vị thế hàng đầu phân khúc sedan hạng D.
Thế hệ 8 (2019 – 2024)

Camry thế hệ thứ tám được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan thay vì lắp ráp trong nước. Xe được trang bị động cơ 2.5L Dynamic Force mới, cùng nhiều công nghệ tiên tiến. Năm 2022, bản hybrid lần đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam, đánh dấu bước chuyển mình hướng đến xu thế xanh và bền vững.
Thế hệ 9 (2024 – đến nay)

Bản xăng thường Camry 2.0 Q có giá 1,22 tỷ đồng khởi điểm. Bản trung cấp Camry 2.5 HEV MID có giá 1,46 tỷ trong khi bản cao nhất là Camry 2.5 HEV TOP có giá 1,53 tỷ đồng. Như vậy, giá khởi điểm Camry nói chung tăng nhẹ so với mức 1,105 tỷ trên đời cũ.
Động cơ 2.0L trên Camry mới vẫn là loại cũ với công suất 170 mã lực. Trong khi đó, các bản hybrid mới dùng động cơ 2.5L và 2 mô-tơ điện có công suất 231 mã lực. Dẫn động là cầu trước hoặc 2 cầu. Cầu sau xe thực tế được dẫn động bởi một mô-tơ thứ 3 đặt tại đây kích hoạt khi cần thiết. Mô-men xoắn hệ thống là 221 Nm. Bình xăng dung tích 50 lít.